Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có tiềm năng lớn để phát triển du lịch dựa trên bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng, quận cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ hạ tầng, quảng bá hình ảnh và chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tiềm năng lớn nhưng khai thác chưa tốt
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Tiến Thành cho hay, Bắc Từ Liêm là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, với 35 di sản văn hóa phi vật thể gồm các lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian và phong tục tập quán. Trong đó, có thể kể đến lễ hội truyền thống đình Chèm (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016); hội truyền thống đình Thượng Cát, hội bơi Đăm, hội đình Vẽ, hội kết chạ Kiều Mai…
Lễ rước nước trên sông Hồng ở hội Đình Chèm.
Những năm qua, công tác phát triển du lịch, quản lý di tích được quận quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Bắc Từ Liêm là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tổ chức lễ phát động điểm mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại di tích quốc gia đình Đăm và tiếp tục nhân rộng mô hình đến các phường trên địa bàn quận. Mặt khác, qua rà soát, thống kê các cơ sở lưu trú, lữ hành, tính đến nay, quận Bắc Từ Liêm có khoảng gần 100 cơ sở lưu trú du lịch với gần 1.000 buồng. Có thể thấy, các giá trị di sản văn hóa không chỉ phản ánh giá trị lịch sử, nghệ thuật mà còn chứa đựng tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng; du lịch trải nghiệm...
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Tiến Thành cũng nhìn nhận, quá trình khai thác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa còn gặp nhiều thách thức về cơ chế, nhận thức và cách thức tổ chức triển khai. Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp địa phương trong các hoạt động du lịch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch còn hạn chế.
Đáng chú ý, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của quận còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có khách sạn cao cấp 4 - 5 sao, thiếu các khu vui chơi giải trí... Quận cũng chưa có sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, mô hình phát triển sản phẩm nổi bật, thu hút du khách và các công ty lữ hành. Công tác xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các giá trị di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm, chú trọng. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích phát triển du lịch và thu hút đầu tư chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn còn ít và thiếu sự gắn kết. Cơ chế khuyến khích phát triển du lịch và thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn…
Nhiều giải pháp phát triển du lịch văn hóa
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, quận Bắc Từ Liêm cần tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách. Trước tiên, quận cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích bảo tồn và khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Cùng với đó, quận xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc gắn liền với những di sản văn hóa giá trị như đình Chèm, làng khoa bảng Đông Ngạc và lễ hội truyền thống bơi Đăm. Đặc biệt, quận có làng cổ Đông Ngạc, tiềm năng trở thành những điểm đến du lịch cộng đồng tiêu biểu. Do đó, địa phương có thể hỗ trợ người dân cải tạo các ngôi nhà cổ thành homestay, phục vụ lưu trú cho du khách.
Với lợi thế nằm gần các không gian tự nhiên như sông Hồng và các công viên sinh thái, việc kết hợp giá trị di sản văn hóa với tiềm năng sinh thái sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Quận cũng cần có chiến lược xúc tiến và quảng bá hiệu quả, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Từ Liêm với bản sắc riêng, là điểm đến văn hóa - lịch sử - trải nghiệm ven đô. Ngoài ra, liên kết vùng và xây dựng chuỗi giá trị di sản văn hóa là chiến lược quan trọng giúp quận Bắc Từ Liêm tối ưu hóa tiềm năng du lịch, kết nối các điểm đến lân cận, tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thanh Hòa (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho rằng, với tiềm năng dồi dào về làng nghề, Bắc Từ Liêm nên đẩy mạnh việc thiết kế các sản phẩm du lịch phục vụ từng đối tượng du khách; kết nối các điểm du lịch tại địa phương. Đồng thời, quận liên kết du lịch vùng để hình thành chương trình du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm di sản văn hóa dọc sông Hồng. "Để người dân tham gia phát triển du lịch, quận Bắc Từ Liêm cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích họ cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú; hướng dẫn du khách trải nghiệm văn hóa, nếp sống bản địa; sản xuất hàng thủ công truyền thống để phục vụ khách..." - TS Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ.
Lễ hội nấu chè kho tại đình Chèm. Ảnh: Trần Thảo
Có thể thấy, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại quận Bắc Từ Liêm không chỉ là hướng đi phù hợp mà còn là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân. Đồng thời gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của địa phương, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của di sản văn hóa trong sự phát triển bền vững.
Quận Bắc Từ Liêm cần nắm bắt nhu cầu thực tiễn của các cơ sở giáo dục, đào tạo (trường phổ thông, cao đẳng, đại học) để kết nối, hợp tác đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm. Đơn cử, nhằm gắn với chương trình giáo dục di sản về làng nghề, Bắc Từ Liêm cần thiết kế đa dạng các chương trình du lịch làng nghề thủ công kết hợp giữa làng nghề ẩm thực. Chẳng hạn như làng nghề làm giò Chèm, phường Thụy Phương; nghề làm đậu phụ, bánh chưng, bánh tẻ phường Thượng Cát; nghề làm bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh với tham quan làng nghề trồng hoa phường Tây Tựu, làng nghề trồng bưởi ở phường Phúc Diễn… Du khách có thể trải nghiệm quy trình làm nghề, “một ngày làm nhà nông” và thưởng thức đặc sản địa phương, mua đặc sản về làm quà.
TS Nguyễn Thị Thanh Hòa - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
|
Trần Thảo